Lác đác lợi nhuận ngân hàng: “Đừng hạ lãi suất thêm nữa”

Monday, July 14, 2014 3:52

Lác đác lợi nhuận ngân hàng: “Đừng hạ lãi suất thêm nữa”

Qua phản ánh từ một số ngân hàng thương mại, trước tình trạng tín dụng tăng thấp, họ lo ngại trước khả năng Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất giảm thêm để kích thích tín dụng.

Thời điểm này của nhiều năm trước, nhiều ngân hàng thi nhau khoe lãi. 

Nhưng 6 tháng đầu 2014, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,52% nên các ngân hàng chỉ dè dặt báo lãi. Tại buổi sơ kết tuần trước, Thống đốc vẫn “lên dây cót” cho cả hệ thống đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% – 14% nhưng nhiều khả năng, sẽ cán đích trên 10%.

Riết nóng đòi nợ

Sáng 12/7, Vietcombank sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2014, công bố kết quả hoạt động với các chỉ tiêu đạt ở mức khá.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank, huy động vốn (không tính số dư tiền gửi bảo hiểm xã hội vì đã tất toán xong trước 30/6/2014) đạt 378.780 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, cao gấp gần 3 lần so với mức tăng toàn ngành (5,3%).

Đáng chú ý, cơ cấu huy động vốn từ thị trường 1 chiếm từ 46% – 54%, cho thấy, ngân hàng này đang nỗ lực bán lẻ. Đồng thời, số dư tiền gửi Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh từ mức 24.848 tỷ đồng thời điểm cuối 2013 xuống còn 10.564 tỷ đồng.

Riêng với tín dụng, con số cụ thể là 293.546 tỷ đồng, tăng 6,63%, cao gấp gần 2 lần so với mức tăng chung toàn ngành, tập trung chủ yếu ở tổ chức kinh tế và thể nhân.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế nhưng trước dự phòng của ngân hàng đạt 5.178 tỷ đồng, tăng gần 14,2% so cùng kỳ.

Đặc biệt, trong con số lợi nhuận của Vietcombank, ngoài khu vực kinh doanh, còn in đậm dấu ấn của việc thu hồi nợ.

Trong 6 tháng đầu 2014, ngân hàng thu nợ xử lý dự phòng rủi ro lũy kế đạt 403 tỷ đồng, tăng gần 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, thu nợ đã bán cho VAMC đạt 434,5 tỷ đồng, đạt gần 61,65% kế hoạch năm, trong đó 356,5 tỷ đồng được ghi nhận vào doanh thu.

Đối với nợ xấu, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 7,69%, giảm so với mức 8,27 tại thời điểm 31/12/2013, trong khi nợ xấu ở mức 3,06%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn ngành; hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) xấp xỉ 12%; tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu đạt mức 90%.

TPBank cũng vừa công bố lợi nhuận với con số gây ngạc nhiên cho nhiều đơn vị vì ngân hàng này mới đi qua giai đoạn tái cấu trúc đầy gian nan. Lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm đạt trên 263 tỷ đồng, gần bằng 120% kế hoạch và đạt 60% kế hoạch cả năm.

Còn đối với Sacombank, Tổng giám đốc Phan Huy Khang cũng cho biết, qua 6 tháng đầu năm, tổng tài sản tăng 10,8%; huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư tăng 12,6%. Lợi nhuận đạt 50% kế hoạch của cả năm.

Giải thích một số chỉ tiêu khả quan nói trên, ông Khang nói: “Sở dĩ Sacombank hoàn thành tốt kế hoạch lợi nhuận là nhờ ngay từ đầu năm, ngân hàng “lăn” vào các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Tp.HCM, Khánh Hòa để cho vay tới 22 quận, 19 huyện ở các địa phương này và đẩy ra được một lượng vốn lớn cho khách hàng”.

Một số ngân hàng khác như BIDV mới công bố lãi sau 5 tháng, HDBank cũng có lãi chút ít nhưng so với số đông các tổ chức tín dụng hiện nay, phần lớn đều đang im ắng chuyện công bố lãi, dù đã bước sang nửa đầu tháng 7.

“Đừng hạ lãi suất thêm nữa”

Qua phản ánh từ một số ngân hàng thương mại, trước tình trạng tín dụng tăng thấp, họ lo ngại trước khả năng Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất giảm thêm để kích thích tín dụng.

Theo họ, tương quan giữa lạm phát và lãi suất tiền gửi cho thấy đang ở mức độ tương đối phù hợp; hơn nữa, nếu giảm thêm lãi suất, sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận kinh doanh.

“Đừng nên hạ lãi suất thêm nữa, vì đó không phải là vấn đề cơ bản. Cái chính là doanh nghiệp có chịu vay mở rộng sản xuất kinh doanh hay không”, lãnh đạo một ngân hàng nói.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích, đầu năm, ngành ngân hàng đặt quyết tâm giảm thêm 0,5% lãi suất và mặc dù chỉ tác động từ các công cụ điều hành “bơm – hút” lượng tiền cung ứng thay vì văn bản áp đặt như trước, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm thêm khoảng 0,5% – 1%.

Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiền vay ở các kỳ hạn đã giảm từ 1% – 1,5% nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản.

“Năm 2011, tỷ lệ nguồn và sử dụng nguồn tới 100/126, có nghĩa, có 100 đồng nhưng sử dụng tới 126 đồng nhưng nay, tỷ lệ này chỉ còn 80% – 85%, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng”, Thống đốc nói.

Xác định tâm điểm hoạt động của ngành hiện nay là tăng trưởng tín dụng với mục tiêu 12% – 14%, vừa để phục vụ đầu tư, vừa đảm bảo lợi nhuận cho các ngân hàng, Thống đốc cũng cho rằng, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng đã có dấu hiệu tăng và đó là tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, khi tiêu dùng tăng, sẽ kích thích đầu tư, từ đó tạo điều kiện khơi thông cho tín dụng ngân hàng.

Theo phân tích của ông, tín dụng nửa cuối năm thường tăng gấp đôi nửa đầu năm. Như vậy, nửa cuối năm sẽ đạt mức 7%, cộng với 3,52% nửa đầu năm, có thể tăng trên 10% cho cả năm.

Nhưng đó mới chỉ là phân tích, còn có đạt được hay không thì phải phụ thuộc vào nỗ lực của cả hệ thống. Những vướng mắc nào thuộc về cơ chế chính sách thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với bộ, ngành tìm cách tháo gỡ; còn đối với các tổ chức tín dụng, phải chủ động tìm cách khơi thông quan hệ với doanh nghiệp để gia tăng tín dụng.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng dẫn chứng thành công của chương trình “kết nối ngân hàng – doanh nghiệp” ở nhiều tỉnh. Theo đó, trong gần một năm, Ngân hàng Nhà nước phối kết hợp với chính quyền nhiều địa phương và ngân hàng gia tăng tiếp xúc, tháo gỡ vướng mắc với doanh nghiệp.

Nhờ đó, vốn tín dụng đã được đẩy ra khá cao. Điển hình tại Tp.HCM, với doanh số cấp tín dụng tính riêng cho chương trình kết nối nói trên đạt 12 nghìn tỷ đồng.

Theo VnEconomy