Kiểm soát ngoại tệ: Vì tránh H5N1 nên cấm nuôi gà?

Tuesday, November 5, 2013 5:01

Kiểm soát ngoại tệ: Vì tránh H5N1 nên cấm nuôi gà?

Với việc người nước ngoài gửi tiết kiệm ngoại tệ, để hạn chế những tác động bất lợi không hẳn chỉ có cách cấm.

Liên quan đến những dự kiến điều chỉnh chính sách về cho – tặng ngoại tệ giữa các cá nhân và người nước ngoài gửi tiết kiệm ngoại tệ ở Việt Nam, bạn đọc VnEconomy tiếp tục góp ý để có thể góp phần hoàn thiện dự thảo.

Ngoài mục đích chống đô la hóa, để kiểm soát tốt hơn các nguồn ngoại tệ, một lý do chính mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra khi dự kiến sẽ cấm các cá nhân cho – tặng ngoại tệ lẫn nhaucấm người nước ngoài gửi tiết kiệm ngoại tệ tại Việt Nam là để thống nhất các quy định pháp lý, nhất quán với tinh thần của Pháp lệnh Ngoại hối.

Chạy theo thực tế…

Trong những phản ánh trước, điểm chung mà nhiều bạn đọc góp ý trong vấn đề này là quyền của người dân, gắn với sự định đoạt tài sản của họ. Ngoại tệ ở đây được xem là tài sản, khác với phương tiện sử dụng trong thanh toán, giao dịch thông thường.

“Nói chung cần xem lại. Nó giống hệt vụ mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy. Vi phạm quyền cơ bản của công dân”, bạn đọc Lê Vũ Phong nêu ý kiến.

Ở một ý kiến khác, giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Tp.HCM gọi điện trao đổi với phóng viên VnEconomy, nói vui rằng: “Tôi muốn mời bạn vào Tp.HCM đi thu âm một chuyến”.

Ông giải thích cho câu nói vui ấy rằng, trước đây, vì dịch vụ karaoke phát sinh tệ nạn xã hội, người ta cũng tính cấm. Vậy thì các nhu cầu giao lưu bạn bè, gia đình lành mạnh cần đến nó thì phải hãm lại. Nhưng có cầu ắt có cung, quán karaoke thay biển hiệu bằng dịch vụ thu âm, “rất nghệ thuật”, còn bản chất hoạt động vẫn chẳng khác trước mấy.

“Ở đây chỉ là thay đổi bề nổi mà thôi. Cấm thế này, thực tế lại phát sinh thế kia. Luật hay quy định suốt ngày chạy theo thực tế. Nếu cấm cho – tặng ngoại tệ thì cũng khó thực thi, trong khi lại động đến quyền sở hữu và định đoạt tài sản của người dân mà pháp luật bảo hộ”, bạn đọc trên chia sẻ.

Giám đốc chi nhánh ngân hàng này cũng dẫn thêm một so sánh khác ở nội dung người nước ngoài không được gửi tiết kiệm ngoại tệ tại Việt Nam: “Chúng ta đang rơi vào tình huống lo ngại và phòng chống dịch cúm A H5N1. Không kiểm soát được, không tránh được nên mới cấm người ta nuôi gà. Thời gian qua tiết kiệm ngoại tệ của người nước ngoài, nhất là của bà con Việt kiều là nguồn lực cần thiết chứ. Không cần thiết, không có ích thì ngân hàng nhận tiết kiệm làm gì!”.

Trong ý kiến phản hồi về VnEconomy, bạn đọc Mai Thiên An cũng góp ý: “Người nước ngoài mang ngoại tệ gửi vào ngân hàng của chúng ta là tốt. Bởi vô hình chung nó tạo ra áp lực vốn ngoại tệ rẻ đi chứ sao gọi là gây áp lực xấu. Đây chính là một trong những kênh thu hút nguồn lực hiệu quả. Còn việc các văn bản không khớp nhau thì nên điều chỉnh những cái nào để nó khớp nhau theo chiều hướng có lợi cho nền kinh tế chứ?”.

Đánh vào lợi ích

Ngân hàng Nhà nước đứng trước yêu cầu thống nhất các quy định pháp lý. Có thể cần một hướng xử lý về kỹ thuật. Còn hiện nay nhà quản lý vẫn có các công cụ để giảm sát và thực thi theo mục đích điều hành.

Như phản ánh ở bài viết trước, việc cho – tặng ngoại tệ hiện đã có một rào cản quan trọng là thuế. Người được cho – tặng ngoại tệ có thu nhập bất thường, theo quy định phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Còn với việc người nước ngoài gửi tiết kiệm ngoại tệ, để hạn chế những tác động bất lợi không hẳn chỉ có cách cấm. Thực tế từ đầu năm 2011 Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những chính sách điều chỉnh và có sức nặng.

Để tránh dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy vào Việt Nam, trú ẩn dưới dạng tiết kiệm và hưởng chênh lệch lãi suất lớn, ngày 13/4/2011, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu áp trần lãi suất huy động USD. Đến nay, trần đã rút xuống chỉ còn 0,25%/năm đối với tổ chức và 1,25%/năm đối với cá nhân; chênh lệch lãi suất so với bên ngoài đã không còn lớn. Với điều chỉnh này, dòng vốn đầu cơ lãi suất tự thân đã và sẽ điều chỉnh.

Giải pháp trên cũng là chủ trương lâu dài của Ngân hàng Nhà nước, từng nhiều lần được khẳng định: dịch chuyển quan hệ vốn ngoại tệ từ huy động – cho vay sang mua – bán.

Tại hội thảo về chính sách tiền tệ tuần qua, khi đề cập đến vấn đề tỷ giá, các chuyên gia tham luận đều nhấn mạnh đến giá trị của giải pháp trên, xét ở hướng kích thích chuyển đổi và hạn chế găm giữ ngoại tệ, tạo cung thương mại và hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Chủ trương dịch chuyển quan hệ vốn ngoại tệ từ huy động – cho vay sang mua – bán thậm chí đã từng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ những năm 2005 – 2006, thời điểm mà dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bắt đầu ồ ạt vào Việt Nam, trước thềm sự kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2011, với việc áp trần và liên tiếp hạ trần sau đó, việc thực thi mới thực sự rõ ràng.

Với chủ trương đó, chắc chắn lãi suất huy động USD sẽ tiếp tục bị áp trần ở mức thấp, chênh lệch lãi suất sẽ vẫn co hẹp để tránh dòng vốn đầu cơ từ bên ngoài.

Ở một hướng khác, chủ trương dịch chuyển trên cũng thể hiện rõ ở việc hạn chế các tổ chức tín dụng cho vay ngoại tệ thời gian qua. Việc siết tín dụng ngoại tệ đã từng được xác định tại thời điểm 1/1/2013. Tuy nhiên, do đây là một nguồn vốn có lãi suất thấp, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu nên Ngân hàng Nhà nước đã nới cho vay đến hết 31/12/2013, tức chỉ còn vài tháng nữa.

Ngoài việc siết bằng quy định hành chính, tự thân thị trường cũng đã tự điều chỉnh trong thời gian qua. Dù tỷ giá USD/VND ổn định trong dài hạn, song tín dụng ngoại tệ liên tục giảm mạnh, khi mà chênh lệch lãi suất vay bằng VND so với vay bằng USD đã thu hẹp.

Nói cách khác, việc Ngân hàng Nhà nước hạ được và bình ổn được lãi suất cho vay VND cũng đã “một công đôi việc” thực hiện chủ trương dịch chuyển nói trên. Đó cũng là điều tiết và dẫn dắt thị trường theo mục đích điều hành bằng các công cụ sẵn có, thay vì cấm.

Theo Vn Economy