Hà Nội muốn tự ban hành sắc thuế của địa phương

Thursday, February 20, 2014 3:16

Hà Nội muốn tự ban hành sắc thuế của địa phương

Phía trước trụ sở UBND thành phố Hà Nội.

Tuy mức độ khác nhau song đề nghị tăng tự chủ cho địa phương trong thu chi ngân sách là điểm chung ở tham luận của nhiều thành phố lớn tại hội thảo về phân cấp ngân sách và cơ chế tài chính đặc thù của một số địa phương diễn ra trong hai ngày 18 và 19/2 tại Tp.HCM, do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức.

Được chắp bút bởi TS. Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, bản tham luận đến từ Thủ đô mang đến khá nhiều thông tin đáng chú ý.

Theo đó, liên tiếp hai năm 2012 – 2013, Hà Nội thu ngân sách nhà nước chỉ đạt bằng dự toán giao (năm 2013 thu 163.000 tỷ đồng, bằng 100,9% dự toán), cân đối ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư của Thủ đô.

Giống như nhiều địa phương khác, thu ngân sách của Hà Nội còn chưa bền vững, phụ thuộc khá nhiều vào các khoản thu từ đất với bình quân 11.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 22%-25% thu ngân sách địa phương.

Việc thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách được ông Hoạt đánh giá là chưa có bước đột phá. Điều này thể hiện rất rõ qua tổng vốn đầu tư xã hội có xu hướng tăng chậm dần khi 2013 chỉ đạt 260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12%, thấp hơn kế hoạch là 15-16,5% và cùng kỳ năm 2012 là 13,21%.

Không là ngoại lệ, số lượng doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng kinh doanh ở Thủ đô cũng tăng đột biến trong 2 năm gần đây với khoảng 22.600 doanh nghiệp, chiếm 14% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

Tình hình nợ công diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng, bản tham luận nêu lo lắng của tác giả.

Sau khi dẫn không ít nội dung được cho là chưa phù hợp trong phân cấp ngân sách nhà nước hiện tại, vị Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất một số giải pháp khi Luật Ngân sách Nhà nước được sửa đổi.

Đề xuất thứ nhất của ông Hoạt cũng đã từng được một số vị đại biểu Quốc hội nêu tại nghị trường. Đó là sửa Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng chỉ quy định phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Còn việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cụ thể cho từng cấp ở địa phương do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương và quyết định phân bổ ngân sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Hà Nội đề nghị Trung ương chỉ quyết định giao dự toán số tổng thu và tổng chi ngân sách, không quyết định chi ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ cho từng địa phương.

Với nội dung giao thành phố tự chủ trong quyết định và quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi, tham luận nêu giải pháp rằng, Hà Nội có thể quyết định thuế suất một số sắc thuế gắn với địa phương trong khung thuế suất do Quốc hội ban hành. Hoặc về dài hạn ở mức tự chủ cao hơn, là Hội đồng Nhân dân dân thành phố có thể tự quyết định ban hành sắc thuế của địa phương trong khung cho phép của Trung ương thông qua Luật Thuế địa phương. Mở rộng nguồn thu 100% của Hà Nội trong các khoản phí, lệ phí.

Vẫn liên quan đến mở rộng quyền tự chủ, tham luận của Hà Nội cho rằng có thể cho phép chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra các quyết định chi tiêu theo ưu tiên của địa phương. Hội đồng Nhân dân thành phố được quyết định chế độ, định mức chi ngân sách phù hợp với địa phương và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách địa phương, ngoài những chế độ, định mức chi do Trung ương quy định thống nhất thực hiện trong toàn quốc.

Theo ý kiến của một số vị chuyên gia, cơ chế tài chính đặc thù của một số địa phương là việc nên tính đến khi sửa Luật Ngân sách Nhà nước, tất nhiên trong khung cho phép của Quốc hội.

TS. Sử Đình Thành (Đại học Kinh tế Tp.HCM) nêu quan điểm, chính sách tài chính – ngân sách đô thị với ý nghĩa là sự phân định quyền và trách nhiệm thu, chi đáp ứng với các yêu cầu quản lý Nhà nước về đô thị, do vậy cần phải được thiết lập cho phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của chính quyền đô thị cũng như là các điều kiện khách quan của đô thị.

Tuy vậy, với thể chế Nhà nước đơn nhất như hiện nay, TS. Thành cho rằng vấn đề xây dựng một chính sách tài chính – ngân sách đô thị với những nét khác biệt đặc trưng so với chính sách tài chính địa phương nói chung để phù hợp với chức năng quản lý đô thị của chính quyền đô thị vẫn còn nhiều tranh luận về mặt pháp lý.

Theo Vn Economy