Góc nhìn của tôi: Tỷ giá 2014 “nhảy” trong biên độ nào?
Monday, January 6, 2014 11:51VnEconomy tiếp tục giới thiệu phần dự báo tỷ giá USD/VND năm 2014 của 16 người, trong đó có 11 chuyên gia và 5 đại diện doanh nghiệp.
“Nhảy” trong biên độ nào?
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, có 7 người (TS. Vũ Đình Ánh, GS.TS Trần Thọ Đạt, TS. Lê Đăng Doanh, ông Văn Đức Mười, ông Đỗ Minh Phú, TS. Vũ Nhữ Thăng, ông Lê Phước Vũ), dự báo tỷ giá USD/VND năm 2014 sẽ biến động trong biên độ +/-2%.
Đáng chú ý, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Phát triển kinh doanh (BDI) và TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của quỹ Dragon Capital, dự báo tỷ giá năm 2014 chỉ biến động trong biên độ +/-1%.
Như vậy, có 9 người (hơn 56%) dự báo tỷ giá sẽ biến động trong biên độ “không quá 2%” như mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Riêng TS. Võ Trí Thành dự báo tỷ giá sẽ lên 21.300 – 21.600 VND/USD, tương đương mức giảm giá của VND từ 1,72% đến 2,68% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng đang áp dụng.
Ở góc nhìn khác, TS. Cao Sỹ Kiêm đánh giá, tỷ giá USD/VND năm 2014 khó mà giữ được 2% như mục tiêu đề ra, do đó ông quyết định lựa chọn dự báo tỷ giá biến động trong biên độ +/-3%. Ông Kiêm cũng là một trong số 6 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp (TS. Quách Mạnh Hào, TS. Nguyễn Trí Hiếu, TS. Cao Sỹ Kiêm, TS. Nguyễn Đức Thành, ông Nguyễn Thành Long, ông Mai Hữu Tín) dự báo tỷ giá sẽ biến động trong biên độ +/-3% năm 2014, “vượt” chỉ tiêu đề ra.
So với khảo sát dự báo GDP, CPI trước đó, khảo sát về dự báo tỷ giá cho thấy kết quả “đồng thuận” hơn khi mức dự báo không có nhiều phương án. Tuy vậy, kết quả trên cũng cho thấy câu chuyện tỷ giá 2014 khó mà “êm” như 2013.
“Nên hiệu chỉnh tỷ giá hàng ngày”
Là người đưa ra dự báo tỷ giá biến động +/-2%, trao đổi với VnEconomy, TS. Vũ Đình Ánh nhận định, mục tiêu điều hành tỷ giá USD/VND năm 2014 của Chính phủ là “hoàn toàn khả thi vì thực tế 2012 và 2013 đều làm được theo đúng cam kết về tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, giữ giá VND vẫn giúp xuất khẩu tăng 15-18% mỗi năm và liên tiếp hai năm có thặng dư thương mại”.
“Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối vẫn tăng lên với kết quả là thặng dư cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối lên đến đến kỷ lục trên 30 tỷ USD. Rõ ràng, ổn định tỷ giá hối đoái được nhiều hơn mất, được “cái thật” mà chưa thấy mất “cái ảo”, cái chưa chứng minh được như phải phá giá để tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu,…”, ông Ánh phân tích.
Cũng theo ông, giảm giá VND không quá 2% còn được hỗ trợ bởi tiềm lực và khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối đã được củng cố hơn hẳn trong suốt hai năm qua.
Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tỷ giá là một vấn đề cần phải lưu tâm năm 2014. Nếu tiếp tục giữ tỷ giá ổn định như hiện nay, hoặc kể cả giảm giá đồng tiền Việt 2 – 3% trong cả năm 2014, thì đồng tiền Việt vẫn còn mạnh.
“Điều này (tỷ giá ổn định – PV) đe dọa toàn bộ nền sản xuất của Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt với các doanh nghiệp phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Mà khuynh hướng hội nhập sắp tới cho thấy sự cạnh tranh sẽ khốc liệt và trực tiếp hơn đến từ các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia. Nhưng nếu điều chỉnh tỷ giá quá nhiều thì lại tạo ra những sức ép rất lớn cho người làm chính sách. Đây vẫn là bài toán của những năm qua”, ông Thành nói với VnEconomy.
Ở một góc nhìn khác, là người lạc quan nhất trong dự báo CPI năm 2014(khoảng 6,4%), TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của quỹ Dragon Capital, tiếp tục đưa ra quan điểm “lạc quan” nhất trong dự báo tỷ giá USD/VND năm nay, khi ông nhận định tỷ giá chỉ biến động 1%.
Theo đánh giá của ông Tuấn, tỷ giá đã biến động khá mạnh giai đoạn 2008-2011, điều này đã làm nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lo ngại mặc dù tỷ giá khá ổn định giai đoạn 2012-2013. Gần đây, có lẽ các nhà đầu tư nước ngoài đã tự tin hơn về tỷ giá VND do dự trữ ngoại hối của Việt Nam tốt hơn, cán cân vãng lai thặng dư, và cán cân tổng thể cũng tốt. Việc biến động tỷ giá 1-1,5% là điều bình thường. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cơ quan quản lý cũng nên tránh việc hiệu chỉnh một lần 1% do áp lực thị trường.
“Thay vào đó, chúng ta có thể hiệu chỉnh tỷ giá hàng ngày qua công bố của Ngân hàng Nhà nước để từ từ có thể đạt được mục tiêu. Việc này sẽ tránh tác động tâm lý là Việt Nam buộc phải phá giá”, ông Tuấn khuyến nghị.