Chính sách tiền tệ: “Thế bây giờ chúng ta có gì?”
Thursday, October 31, 2013 2:27Có một điểm chung trong các ý kiến tham gia tọa đàm là cùng nhìn lại quãng khó khăn 2008 – 2011, gắn với những bất ổn trong tam giác quan hệ vàng – tỷ giá – cung tiền. “Vẽ mây nổi trăng”, qua đó để đánh giá những kết quả của chính sách tiền tệ những năm gần đây.
“Mấy năm trước, lãi suất rất cao, doanh nghiệp vẫn vay rất nhiều. Doanh nghiệp uống thuốc độc giải khát và sau đó là nợ xấu tăng cao”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), một trong những thành viên ở bàn chủ tọa, gợi về một giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, bắt đầu từ năm khủng hoảng 2008.
“Thế bây giờ chúng ta có gì?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Căn bệnh kinh niên đang trở lại?
Dẫn lại hình ảnh “doanh nghiệp uống thuốc độc giải khát” nói trên, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh đến khó khăn nổi bật những năm trước là lạm phát, lãi suất quá cao; rồi sự nhiễu động của vàng và “đô” gây mất lòng tin trong nhân dân…
Và nay, chuyên gia này gạch đầu dòng những kết quả mà ông nhấn mạnh ở nỗ lực của chính sách tiền tệ: lạm phát đã về mức thấp 6 – 7%; dự trữ ngoại hối từ 7 tỷ USD tăng lên 27 – 28 tỷ USD; tỷ giá USD/VND ổn định; thị trường vàng ổn định, vàng đã được đẩy ra khỏi tài sản nợ của các ngân hàng, chấm dứt vàng hóa trong hệ thống; lãi suất đã giảm đáng kể và giữ được chênh lệch lãi suất giữa nội tệ với ngoại tệ để hạn chế sự chuyển đổi tài sản…
Tuy nhiên, ở tình hình vĩ mô, ông Nghĩa nói hình ảnh rằng, nếu Việt Nam đi trên một con đường thẳng, mệt và ngồi nghỉ rồi đi tiếp thì khác, nhưng đây lại rơi xuống một hố bùn, lên khỏi hố bùn đó là vấn đề rất khó khăn.
Để lên khỏi hố bùn, cần sự phối hợp tốt giữa các chính sách. Một lần nữa, mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lại được TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh ở “căn bệnh kinh niên”, theo cách gọi của ông, có vẻ như đang trở lại.
“Tài khóa lấn át tiền tệ là bệnh kinh niên của Việt Nam. Những năm vừa rồi chúng ta tập trung chống lạm phát thì đỡ đi, nhưng bây giờ thì có vẻ lại phục hồi cái bệnh kinh niên này. Tức là nhiều vấn đề thuộc chính sách tài khóa lại giao cho chính sách tiền tệ phải làm”, ông Nghĩa nhìn nhận.
Và chuyên gia này dẫn ra các ví dụ cụ thể, như: hàng loạt các hỗ trợ cho 5 lĩnh vực ưu tiên lẽ ra của chính sách tài khóa thì lại qua ngân hàng, dùng tiền của ngân hàng trung ương; hay ví dụ tạm ứng cho ngân sách như để giải phóng mặt bằng quốc lộ 1, hay tạm ứng ngân sách đối ứng giải ngân vốn ODA, 30.000 tỷ đồng hỗ trợ vay mua nhà (“may mà giải ngân đang còn thấp”), rồi xử lý nợ xấu qua VAMC cũng có thể tới 100.000 tỷ đồng, hay một vài lĩnh vực khác “không thể nói ra”… đều qua Ngân hàng Nhà nước.
Rồi ông lo ngại: “Có một nguy cơ là chúng ta quay trở lại làm tái phát cái bệnh cũ, sự lấn át của chính sách tài khóa đối với chính sách tiền tệ và nguy cơ lạm phát trong dài hạn là đáng ngại nếu cứ như vậy”.
Xử được “tam giác bất ổn”
Có một điểm chung trong các ý kiến tham gia tọa đàm là cùng nhìn lại quãng khó khăn 2008 – 2011, gắn với những bất ổn trong tam giác quan hệ vàng – tỷ giá – cung tiền. “Vẽ mây nổi trăng”, qua đó để đánh giá những kết quả của chính sách tiền tệ những năm gần đây.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, thành công của chính sách tiền tệ những năm gần đây là đã kiềm chế được lạm phát trong bối cảnh nới lỏng, qua giảm lãi suất và cung tiền tăng đáng kể trong năm 2012.
Chuyên gia này cũng đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong điều hành chính sách tỷ giá, mặc dù chính sách tiền tệ mở rộng với yếu tố cung tiền nhiều hơn khi tăng mạnh dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý phía sau đó có sự hỗ trợ của cán cân tổng thể thặng dư, giải ngân FDI và kiều hối tăng lên; sự sụt giảm của tài sản, đặc biệt là vàng đã không gây bất ổn đến tỷ giá.
“Mùa hè vừa rồi (cuối tháng 6 đầu tháng 7 – PV) có áp lực xuất hiện, nhưng với khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thì đã bình ổn. Đó là thời điểm quan trọng để củng cố niềm tin vào cam kết giữ ổn định”, TS. Thành nói.
Có những đánh giá tương đồng, TS. Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, nhấn mạnh đến việc Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xử lý được mối quan hệ tam giác giữa vàng – tỷ giá – cung tiền; trong đó nhà điều hành thể hiện quyết tâm tách sự chi phối của vàng đối với chính sách tiền tệ.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã bóc được vàng ra khỏi hệ thống các tổ chức tín dụng, thay vì sự chi phối lớn của nó trong bảng cân đối tài sản trước đây. Điều này được bà Ngọc nhấn mạnh ở ý nghĩa, ngoài bóc rủi ro vốn vàng, yếu tố gây nhiễu và nhiều ảnh hưởng từ vàng đối với cung tiền đã được hạn chế. Cung tiền chủ động hơn, việc điều hành chính sách tiền tệ sát thực và hiệu quả hơn, nhất là gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Ở mối quan hệ khác, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, xem là thành công của Ngân hàng Nhà nước khi phối hợp được việc điều hành lãi suất với tỷ giá.
TS. Ngọc cho biết, trước đây mối quan hệ này “không dám nói” vì tỷ giá chi phối lãi suất khá nhiều, do tình trạng đô la hóa cao, do cấu trúc tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng lỏng. Những biến động của tỷ giá, từng thường trực và căng thẳng những năm 2008 – 2011, đều dễ tạo sự dịch chuyển, gây mất cân đối cấu trúc tiền gửi và tác động đến lãi suất. Sâu xa hơn, chuyên gia này cho rằng nó có thể “tiêu hủy mục tiêu và sự chủ động trong điều hành chính sách”.
“Rất may, đã nắm được cương”
Là Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhưng góc nhìn của TS. Trương Văn Phước lại nghiêng nhiều hơn từ phía ngân hàng thương mại (môi trường ông tham gia những năm qua).
“Có thể xem thị trường tiền tệ của chúng ta là một con ngựa bất kham, khi xẩy ra cuộc khủng hoảng năm 2008. Giai đoạn 2008 – 2011 phải nói là rất thực sự khó khăn. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng lạm phát, mà người ta vẫn nói “Xin lỗi, chịu không nổi!”. Lạm phát cao tới mức 17 – 18% dẫn tới lãi suất trên 20% thì chịu sao nổi”, ông Phước đặt vấn đề.
“Nay, nói gì thì nói, nền kinh tế cũng đã trở lại một mặt bằng tương đối, dĩ nhiên vẫn còn nhiều chuyện. Nhưng đến hôm nay lạm phát được như thế, tỷ giá được như thế, lãi suất được như thế, mình có thể nói như thế cũng là được rồi”, ông Phước nói thêm.
Trả lời câu hỏi Ngân hàng Nhà nước đã làm được gì? Ông Phước ví von: Ngân hàng Nhà nước đã kìm được dây cương của con ngựa tiền tệ bất kham của những năm khủng hoảng.
Từ góc độ của ngân hàng thương mại, ông cho biết đã từng rất lo rằng và dự tính phải mất thời gian dài mới tìm lại được dây cương của con ngựa bất kham đó.
“Rất may, chúng ta đã tìm lại được, tương đối nhanh và tương đối sớm. Đến giờ phút này, Ngân hàng Nhà nước đã nắm và kìm được cương con ngựa tiền tệ, kéo nó trở về quy đạo an toàn, nhưng cũng phải nhìn ngang ngó dọc không phải chủ quan”, TS. Trương Văn Phước nói.
Là chuyên gia về tỷ giá, ông Phước nhìn nhận ổn định tỷ giá thời gian qua là một thành công, nhưng không phải tự nhiên mà có. Bởi lẽ, “có cái hay không bằng hên, nhưng có những cái tự thân Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy vấn đề và đã gỡ được những kíp nổ của tỷ giá sớm”.
Kíp nổ thứ nhất được gỡ, theo chuyên gia này là từ vàng. Thứ hai, các chính sách chống đô la hóa đã phát huy tác dụng tốt, nếu không tốt thì tỷ giá không được như thời gian qua.
“Bằng những biện pháp hành chính, đương nhiên nhiều khi nó cũng hơi khắc nghiệt, nhưng nó làm cho tiền “đô” bớt hấp dẫn so với tiền đồng. Do tăng trưởng tín dụng thấp, trong đó có tăng trưởng tín dụng ngoại tệ thấp làm cho cầu về ngoại tệ thấp xuống”, ông Phước lý giải thêm.
“Tuy nhiên, những rủi ro của thị trường ngoại hối và tỷ giá vẫn còn đó. Chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng của tỷ giá. Trên đồ thị tỷ giá cuối tháng 6 đầu tháng 7 nó nhảy cóc một cái, đó là một lời cảnh báo.
Tôi đi Yên Tử, thấy có hai cách để leo lên chùa Đồng. Một cách là đi từng bước. Một cách thì thấy anh kia đứng nghỉ, rồi nhờ mấy anh gánh một cái đi lên đó. Cái này cho ta hình ảnh của bước đi tỷ giá”, chuyên gia này ngụ ý so sánh về việc điều chỉnh tỷ giá theo cách trườn bò với cách nghỉ lâu lâu rồi giật một bước mạnh…