Cấm cho, tặng ngoại tệ: “Nên xem lại quyền của dân”
Friday, November 1, 2013 8:29Ngoại tệ dùng để cho, tặng được xem là tài sản, khác với ngoại tệ dùng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch thông thường.
Như ở bản tin trước, Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện các dự thảo quy định về giao dịch hối đoái và nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
Theo thuyết minh của Ngân hàng Nhà nước, đối với việc sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân, dự thảo bỏ quy định cho phép người cư trú, người không cư trú là cá nhân được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để cho, tặng để đảm bảo mục tiêu chống tình trạng đô la hóa, thống nhất với các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ban soạn thảo dự thảo nghị định cần xem xét kỹ điểm nội dung này, trước khi hoàn thiện và ban hành.
“Chống đô la hóa tức là chúng ta không muốn sử dụng đô la là đồng tiền trong thanh toán, chứ không phải biến đô la thành tờ giấy lộn. Khi đô la (hay vàng) không còn chức năng phương tiện thanh toán thì nó sẽ quay về với thuộc tính là hàng hóa. Mà đã là hàng hóa thì phải có quyền sở hữu, mà có quyền sở hữu tức là có quyền định đoạt, mà có quyền định đoạt tức là có quyền cho – tặng…”, một bạn đọc phân tích ở bản tin trước.
Cũng theo bạn đọc này, “khi mất đi quyền cho – tặng, thì người dân mất đi quyền định đoạt đối với tài sản hay vật mà mình sở hữu, cũng đồng nghĩa là người dân mất đi quyền sở hữu. Thế thì người dân còn lại những quyền gì?”.
Trong cuộc gọi trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, một luật sư và cũng là lãnh đạo ngân hàng thương mại chuyên trách về các vấn đề pháp chế, nêu quan điểm rằng, nếu cấm cho – tặng ngoại tệ thì sẽ không ổn. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo, ông hy vọng nội dung này sẽ có nhiều ý kiến tham gia góp ý trước khi chốt lại và ban hành.
Như ý kiến của bạn đọc trên, ông nhấn mạnh: “Sở hữu và định đoạt tài sản của mình là quyền thiêng liêng của người dân, được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự. Trong quyền định đoạt tài sản có quyền cho và tặng. Khi cá nhân cho – tặng nhau ngoại tệ, ngoại tệ đó cần được hiểu là tài sản chứ không phải là phương tiện thanh toán hay ngoại tệ sử dụng như các giao dịch thông thường để tính chuyện hạn chế, cấm để chống đô la hóa”.
Ở góc độ là người trong ngành, vị lãnh đạo ngân hàng này cho rằng không thể vì khó khăn trong xử lý các “giao dịch đen”, vì có tình trạng lách luật, vì chống đô la hóa mà cấm cá nhân cho, tặng ngoại tệ. Thay vào đó là cần xây dựng các chính sách quản lý chặt chẽ và hợp lý hơn, cũng như tăng cường công tác giám sát và xử lý các giao dịch vi phạm.
“Để chặt chẽ trong vấn đề này, theo tôi nên tính quy định và giám sát thực hiện chặt chẽ giao dịch ngoại tệ tiền mặt ở mức nào thì phải qua kênh ngân hàng. Bởi ở đây còn là vấn đề thuế. Người được cho, tặng có thu nhập bất thường và phải chịu thuế thu nhập. Nếu các giao dịch bất hợp pháp dùng lý do cho – tặng để lách luật thì cũng phải thực hiện qua ngân hàng, khi đó thuế thu nhập sẽ là một rào cản; còn giao dịch bên ngoài để tránh thuế thì đó là chuyện của cơ quan chức năng giám sát và xử lý”, ông khuyến nghị thêm.
Tuy nhiên, thực tế đời sống rất đa dạng. Người góp ý trên cho rằng nếu có quy định cấm cho – tặng ngoại tệ thì cũng rất khó để giám sát và đảm bảo thực thi tốt các chế tài. Thế nên, tình huống mà ông đặt ra là nếu những người trong gia đình có ngoại tệ cho nhau, mừng tuổi, cho người đi du học… thì sao? “Sẽ phải đóng cửa nhà lại và thầm thì với nhau. Khi đó pháp luật có được thực thi, có kiểm soát được hết hay không, hay là bị hổng?”.
Ở một tình huống khác, một bạn đọc gửi phản hồi về VnEconomy rằng: “Vậy là bây giờ con cái ở nước ngoài cũng không được cho, tặng ngoại tệ cho bố mẹ nữa sao?”. Nhưng theo dự thảo nghị định, quy định dự kiến trên chỉ điều chỉnh việc cho – tặng ngoại tệ giữa các cá nhân trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, cũng như không điều chỉnh hoạt động kiều hối.
Bản dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối được Ngân hàng Nhà nước công bố rộng rãi từ ngày 25/10/2013. Cơ quan này đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Chính phủ và có thể ban hành trong năm nay.