Vàng nữ trang, khi “chơi” không còn dễ
Tuesday, July 8, 2014 2:37Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn DOJI.
Sau một tháng thực hiện cơ chế quản lý mới về tiêu chuẩn và chất lượng, thị trường vàng nữ trang Việt Nam bắt đầu có thay đổi. Đây là ngạch có biên lãi cao hơn nhiều so với vàng miếng, nhưng “cuộc chơi” này có xu hướng chỉ dành cho những “ông lớn”.
Bởi lẽ, theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, để thực sự có lợi thế cạnh tranh và sống tốt với ngạch nữ trang, doanh nghiệp phải có nguồn lực tự thân lớn, đủ sức để đầu tư trong khi việc sử dụng đòn bẩy tài chính gần như là không thể.
Giao dịch trầm lắng, nhu cầu thấp, biên lãi mỏng
Là một đầu mối lớn, ông nhận thấy tình hình chung của thị trường vàng Việt Nam 6 tháng đầu năm nay như thế nào?
Về vàng miếng, chúng tôi đánh giá giao dịch ở trạng thái hết sức trầm lắng. Giá vàng quốc tế lình xình, không có sự bứt phá hay những con sóng lớn. Vàng có vẻ không còn là kênh đầu tư hấp dẫn như trước nữa.
Trong nước, rõ ràng Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chính sách quản lý để đưa thị trường vàng đi vào trật tự. Nó đã nguội đi rất nhiều. Nhu cầu vàng của người dân xét theo hướng đầu tư phong trào như trước đã giảm thật sự. Các nhu cầu mua khối lượng lớn cũng gần như bị cắt bỏ, các “tay to” là các ngân hàng thương mại đã bị hạn chế, thậm chí chùn tay. Vì thế không có những lực đầu cơ lớn. Đây là thành công của chính sách.
Vừa rồi có sự cố biển Đông, nếu ở những thời điểm trước thì tôi nghĩ chắc chắn thị trường vàng đã có biến động lớn. Nhưng thực tế vừa qua, trước tác động đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn không phải can thiệp; không có tình trạng người dân rồng rắn đi mua vàng. Người dân đã bình tĩnh hơn nhiều.
Nhưng, với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, phải nhìn nhận đây là một thời kỳ đầy khó khăn, giao dịch thì trầm lắng, nhu cầu thấp, biên lãi mỏng… Như tại DOJI, so với cùng kỳ 2013 thì doanh thu vàng miếng đã sụt giảm từ 20 – 25%. Bởi vì chúng tôi có mạng lưới tốt và mở rộng hơn trong nửa đầu 2014, còn nhiều đơn vị khác có lẽ còn giảm mạnh hơn.
Chúng tôi đã đánh giá tình hình này từ 3-5 năm trước, dự tính đến một thời điểm nào đó vàng miếng sẽ không còn ở thế thượng phong và kinh doanh khó khăn đi. Chúng tôi vẫn xem đó là hoạt động kinh doanh chính, nhưng cốt lõi phải là vàng nữ trang. Cho nên chúng tôi đã liên tục đầu tư cho công nghệ, mở rộng mạng lưới với hàng trăm tỷ đồng trong những năm qua để chuẩn bị cho sự đổi vai này.
Thoát cảnh nhập nhèm
Với vàng nữ trang, đến nay đã một tháng thực hiện Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm… Ông đánh giá thế nào về bước đầu thực hiện chính sách này?
Chính sách này có nhiều điểm tích cực. Lần đầu tiên thị trường có văn bản pháp quy để quy định hàm lượng, độ sai số hợp pháp, cách phân loại và tên gọi sản phẩm, yêu cầu băt buộc phải ghi rõ tính chất, hàm lượng, vật liệu đi kèm ngay trên sản phẩm và trên tem nhãn đối với tất cả các loại nữ trang. Trước đây là tù mù, không rõ ràng.
Các công ty đã chuẩn bị trước, làm ăn nghiêm túc thì việc thực hiện không khó khăn. Nhưng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là thị trường lâu nay có thói quen khiến người dân chấp nhận một hình thức kinh doanh nhập nhèm. Mặc dù người ta nói “uy tín như vàng”, nhưng vẫn hiểu việc gian lận tuổi là một quy định bất thành văn. Tình trạng đó làm thiệt hại cho người tiêu dùng khá lớn.
Hãy tưởng tượng có những sản phẩm hàm lượng vàng dưới 60% nhưng được công bố là 75%, người tiêu dùng bị móc túi tới 10-15%. Cứ như vậy nó gây xói mòn niềm tin.
Thông tư 22 ra đời, đã có khoảng 7 tháng để các doanh nghiệp chuẩn bị, nhưng nhiều người vẫn xem đó là một văn bản mà sự hiệu lực không có ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Đến khi chinh thức áp dụng thì tôi thấy một số doanh nghiệp, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ lẻ khá lo lắng.
Tại Viện Ngọc học và Trang sức DOJI, chúng tôi nhận kiểm định nữ trang cho nhiều cửa hàng và doanh nghiệp. Khi thực hiện Thông tư 22, họ mang đến và qua kiểm định chúng tôi thấy một tình trạng là tỷ lệ không đạt hàm lượng như dấu đóng trên sản phẩm và có độ sai khác rất nhiều. Nếu độ sai lệch chỉ khoảng 1% thì cũng còn coi là bình thường, nhưng từ 5-7% thậm chí trên 10% thì là quá lớn.
Nhưng nhìn ngược lại, qua việc kiểm định như vậy cũng là tích cực, các hộ kinh doanh, các cửa hàng nhận ra rằng đã đến lúc cần phải minh bạch. Cả một hệ thống từ sản xuất, gia công, chế tác cho đến bán lẻ, người tiêu dùng, về mặt nhận thức đã có thay đổi. Đó là thành công của Thông tư 22. Sẽ không nhập nhèm như trước, thị trường sẽ lành mạnh hơn.
Các cơ sở sản xuất uy tín, các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn hàm lượng vàng thì bây giờ họ đủ khả năng cạnh tranh về tiền công chế tác. Trước đây thì không cạnh tranh được, bởi vì thị trường chủ yếu là kiếm lời ở gian lận tuổi vàng.
Có minh bạch như thế thì doanh nghiệp mới có thể trả đủ tiền công cho người lao động, để đưa ra được những mẫu mã đẹp và có khả năng để tái đầu tư dây chuyền công nghệ. Trước đây, hầu hết các doanh nghiệp nếu làm một cách nghiêm túc thì rất khó cạnh tranh với sự nhập nhèm đó.
Tuy nhiên, nhìn lại sau một tháng, có một điểm cũng cần lưu ý, chính sách đã có thì việc kiểm tra, giám sát thực hiện nó phải chặt chẽ, phải có chế tài nghiêm. Nếu buông lỏng, người ta lại nghĩ đó chỉ là một quy định mang tính hướng dẫn mà thôi, và không chừng lại “ngựa quen đường cũ”, lại trở lại sự nhập nhèm trước đây.
Cùng vì sự nhập nhèm đó mà gần đây có thông tin vàng nữ trang Trung Quốc tuồn vào, thậm chí như bán dạo ở chợ… Nó vẫn có đất sống, thưa ông?
Chúng tôi cũng đã tìm hiểu về thông tin đó, và quan sát trên thị trường thấy, bằng cách nào đó nữ trang Trung quốc vào Việt Nam, trong đó có những loại sản phẩm chất lượng rất thấp, rẻ tiền, thậm chí khi sản xuất họ dùng cả hóa chất, chất tạo màu độc hại không được phép sử dụng…
Một nhóm sản phẩm khác, họ sản xuất và bỏ mối vào Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ nó đi vào bằng đường tiểu ngạch. Các đầu mối ham rẻ thì mua. Nhưng nếu tính đúng, đủ hàm lượng, tiền công thì khả năng cạnh tranh với các sản phẩm trong nước chưa chắc là họ đã có lợi thế, đó là chưa nói là họ phải trả thuế. Nhưng họ có lợi thế là mẫu mã khá bắt mắt.
Nhóm thứ ba là những sản phẩm họ mang vào chất lượng khá tốt, chế tác tương đối tinh xảo, hàm lượng bảo đảm, thế nhưng giá thành không hề rẻ. Như vậy, với những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đúng quy định ở trong nước cũng sẽ không “ngán” dòng sản phẩm này của Trung Quốc.
Dù thế cũng phải thừa nhận là hàng Trung Quốc có mẫu mã bắt mắt, lợi thế thiết kế. Đây là thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước.
Với Thông tư 22, sản phẩm bán ra phải chứng minh nguồn gốc nhà sản xuất. Nếu làm nghiêm cái này thì sẽ là một chốt chặn đối với hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc.
Để sống tốt, phải đầu tư
Trở lại với tình hình kinh doanh vàng, như ông nói là kinh doanh vàng miếng rất khó khăn và vàng nữ trang là một sự đổi vai…
Mặc dù vàng miếng trầm lắng, nhưng việc đầu tư cho nữ trang để cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng thì hoạt động kinh doanh vẫn rất tốt.
Nhưng, đầu tư vào nữ trang là không dễ. Nhất là khi có các quy định chặt chẽ của Thông tư 22, không còn dễ chơi như trước. Vì rất tốn kém về công nghệ, hạ tầng, mẫu mã, khả năng sáng tạo. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung không hề thua kém về sự khéo léo, nhưng để thực sự kích thích sáng tạo cho các dòng sản phẩm là không dễ, nhất là khi phải cạnh tranh về giá thành.
Rồi khi có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh thì phải làm sao tiếp cận được người tiêu dùng. Mạng lưới rất quan trọng và đầu tư cũng rất tốn kém. Như mới đây, trong tháng 6 chúng tôi mở thêm cùng một lúc 3 trung tâm vàng bạc đá quý lớn tại Hà Nội, Tp.HCM và Hội An, diện tích bán hàng tới hơn 1.000 m2 mà chi phí đầu tư đã tới trên 200 tỷ đồng. Đó là mới chỉ riêng ở việc tăng cường mạng lưới để tiếp cận khách hàng và có độ phủ thị trường.
Tại DOJI, mặc dù doanh số vàng miếng giảm từ 20-25%, nhưng bù lại doanh số vàng trang sức lại tăng đều những năm gần đây. Năm nào cũng tăng từ 30-40%, 6 tháng đầu năm nay tăng gần 30%. Đây mới chính là hướng đi lâu bền cho hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam.
Mức độ sinh lời ở kinh doanh vàng nữ trang thì thế nào, thưa ông?
Với vàng miếng, biên lãi nhỏ nhưng doanh thu lớn và vòng quay vốn nhanh. Ngược lại, vòng quay vốn trang sức chậm, nếu làm tốt thì chỉ quay được 2-3 vòng mỗi năm, một sản phẩm thường mất từ 3-6 tháng mới thu hồi được vốn.
Với nữ trang, muốn làm thì anh phải có tiềm lực tài chính mạnh để theo đuổi một cuộc chơi dài hơi. Các cửa hàng nho nhỏ trước đây thì khá dễ dàng, nhưng nay với sự quản lý của nhà nước chặt chẽ hơn thì sẽ khó khăn hơn, nhất là trước các yêu cầu đầu tư như vậy.
Nhưng, biên lợi nhuận vàng trang sức tốt hơn. Với vàng miếng, nếu biên lợi nhuận đạt được một phần nghìn đã là tốt rồi, như bỏ 35 triệu cho 1 lượng vàng, thu lãi được 35 nghìn đồng trong ngày đã là tốt, khó được cao hơn. Nhưng với nữ trang, biên lợi nhuận chỉ cần 1% thì đã gấp cả chục lần rồi, và hiện nay biên lãi có thể đạt được từ 5-8%.
Với DOJI, năm nay chúng tôi dự tính doanh thu nữ trang đạt 1.500 tỷ đồng, lãi gộp chắc sẽ khoảng 100 tỷ đồng, như vậy là đáng kể. Dĩ nhiên, như trên, để có được điều đó thì phải đầu tư vào rất lớn. Cho nên cứ có lãi là chúng tôi quay trở lại đầu tư luôn.
Cũng lưu ý là, thời gian qua có thực tế biên lãi nữ trang rất thấp, nhưng sự thực là có tình trạng ăn lãi ở chênh lệch hay sự nhập nhèm của tuổi vàng.
Tóm lại, với Thông tư 22, anh sẽ khó chơi vì không thể nhập nhèm như trước, không thể gian lận tuổi vàng để bù giá và để cạnh tranh. Bây giờ, để sống tốt, anh phải đầu tư công nghệ, hạ tầng để sản xuất được những sản phẩm đạt chuẩn, mẫu mã đẹp, tăng khả năng tiếp cận khách hàng…
Như trên, việc đầu tư là rất tốn kém, quy mô lớn và đòi hỏi phải có nguồn lực tự thân, bởi hiện nay dùng đòn bẩy vay mượn ngân hàng để sản xuất kinh doanh vàng là không dễ.