“Bom nổ chậm” ở tín dụng ngoại tệ
Thursday, June 26, 2014 3:52Kể từ đầu tháng 4/2014, lãi suất USD liên ngân hàng có xu hướng tăng từ mức 0,3%/năm lên khoảng 0,5%/năm.
Áp lực thanh khoản ngoại tệ
Cập nhật mới nhất từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tính đến đầu tháng 5/2014 so với cuối 2013, trong khi tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ giảm 9,1% thì tín dụng ngoại tệ tăng 7,2% và tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ tăng từ 84,3% lên 99,5%.
Cùng đó, kể từ đầu tháng 4/2014, lãi suất USD liên ngân hàng có xu hướng tăng từ mức 0,3%/năm lên khoảng 0,5%/năm.
Còn với tín dụng VND thì sao?
Cùng mốc thời gian nói trên, cho vay VND giảm 2,6% nhưng tiền gửi VND tăng tới 3,5%, góp phần đưa tỷ lệ cho vay/tiền gửi VND giảm từ 82,4% xuống 79,9%.
Nếu so sánh lãi suất USD với lãi suất VND thì có sự chênh lệch khá lớn, đưa chúng thành điểm đến của tín dụng ngoại tệ.
Cụ thể, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ 9/6 – 13/6, trong khi lãi suất cho vay VND từ 7% – 8%/năm (doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); cho vay ngắn hạn thông thường từ 9% – 10% và 10,5% – 12%/năm đối với cho vay trung, dài hạn thì lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3% – 6% với ngắn hạn) và 5,5% – 7%/năm với trung, dài hạn.
Đây được cho là một trong những ma lực gây nên tình trạng tín dụng ngoại tệ tăng vượt trội so với tín dụng nội tệ.
Tình trạng này kéo dài đến nay khi một cán bộ nguồn vốn một ngân hàng lớn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014 so với cuối 2013, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ toàn hệ thống khoảng 10% nhưng tăng trưởng huy động ngoại tệ hoàn toàn âm.
Nếu đà này tiếp tục, sẽ dẫn đến tình trạng các ngân hàng cho vay vượt quá khả năng huy động của mình và cầm chắc rủi ro thanh khoản ngoại tệ. Điều tai hại là nếu mất thanh khoản VND, Ngân hàng Nhà nước còn có thể hỗ trợ qua OMO, tái cấp vốn nhưng với ngoại tệ thì rất khó vì thiếu các kênh hỗ trợ ngoại tệ từ cơ quan này.
Có một kênh duy nhất hỗ trợ ngoại tệ khá hiệu quả giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại là cơ chế hoán đổi “đô – đồng” được xác lập cách đây khá lâu nhưng các cơ chế, cách thức thực hiện chưa được rõ ràng và chuẩn hóa như các nghiệp vụ OMO hay tái cấp vốn.
Hay nói khác đi, giả định một ngân hàng thương mại rơi vào tình huống mất thanh khoản ngoại tệ thì việc hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước là không hề đơn giản như với mất thanh khoản VND.
Một tác hại thứ hai là, nếu doanh nghiệp cứ vay USD nhiều thì tất yếu đến hạn phải trả. Giả định doanh nghiệp có một khoản vay USD đến hạn trả thì phải mua USD để trả nợ cũ thì mới được vay mới. Khoản USD vay mới có thể được doanh nghiệp bán ra, thu VND về và xét về tổng thể cân đối cung cầu của thị trường, chúng không tiêu tốn nhiều ngoại tệ mà chỉ hoán đổi từ “túi” nọ sang “túi kia”.
Đó là lý do vì sao suốt ba năm qua, tín dụng ngoại tệ tăng vượt trội so với tín dụng nội tệ nhưng chưa phát sinh quá nhiều nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay. Nhờ đó mà không gây áp lực lên tỷ giá trong suốt một thời gian dài.
Thế nhưng, đến một lúc đó, áp lực về thanh khoản ngoại tệ sẽ căng thêm; thêm vào đó, nếu có một biến cố thị trường khiến doanh nghiệp tin rằng tỷ giá sẽ tăng trong thời gian tới, họ sẽ gia tăng mua USD để trả nợ vay và áp lực lên tỷ giá tại một thời điểm nhất định là khó tránh khỏi.
Ngập ngừng giảm lãi suất VND
Quan sát thị trường trong các năm 2013 và 2014 cho thấy, tại một số thời điểm, khi doanh nghiệp kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá, lập tức xuất hiện khá lớn nhu cầu mua ngoại tệ trả nợ trước hạn của doanh nghiệp là khá lớn.
Đó là một tất yếu, khi mà cho vay nhiều thì cục nợ sẽ lớn thêm và cùng đó là rủi ro, ép ngược lên Ngân hàng Nhà nước.
Một điều đáng lưu ý là Ngân hàng Nhà nước đang khá kiên trì với mục tiêu chống “đô la hóa” nhưng một khi, quan hệ vay mượn ngoại tệ vẫn trong tình trạng trên thì rất khó hiện thực hóa mục tiêu trên vì xét cho cùng, nhà nước đang thừa nhận sử dụng ngoại tệ trong nền kinh tế.
Nói cách khác, chỉ khi nào, quan hệ mua bán ngoại tệ thay thế hoàn toàn quan hệ vay mượn ngoại tệ thì mới thành công trong việc chống “đô la hóa”.
Không phải Ngân hàng Nhà nước không nhận ra điều này. Tại cuộc họp Chính phủ tháng 5/2014, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm: “Nhiều nhà kinh tế khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần giảm lãi suất VND hơn nữa để tránh áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp nhưng trong dài hạn, vị thế của VND sẽ bị ảnh hưởng và Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc rất kỹ vấn đề này”.
Cần thấy là một thời gian rất dài, Ngân hàng Nhà nước đã có lý khi duy trì lãi suất tiền gửi VND cao hơn tiền gửi USD. Nhờ đó, người nắm giữ VND thấy có lợi hơn và tất yếu, sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng để nắm giữ VND.
Nhưng cách thức này mới chỉ mới đem lại mặt tốt là chống găm giữ ngoại tệ, nâng cao vị thế VND nhưng ở phía tiền vay ngoại tệ, lại xảy ra bất cập như nêu trên.
Vậy thì, vấn đề là Ngân hàng Nhà nước phải tìm được điểm trung hòa lợi ích ở một ngưỡng nào đó, để doanh nghiệp thấy rằng, dù đi vay ngoại tệ hay vay VND thì lợi ích thu được cũng chỉ ở mức tương đồng. Đáng tiếc là ngưỡng này vốn được Ngân hàng Nhà nước duy trì đã lâu nhưng đã phải là ngưỡng trung hòa lợi ích hay chưa thì còn phải bàn.
Giả thiết rằng, để khắc phục tình trạng trên, tới đây, Ngân hàng Nhà nước điều hành giảm lãi suất VND với nhiều mục đích: giảm áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, tránh kéo dài tình trạng doanh nghiệp đổ xô vay ngoại tệ như từng diễn ra nhưng còn lợi ích của các ngân hàng thì sao?
Trong bối cảnh hiện nay, muốn giảm lãi suất VND thì lạm phát phải giảm hơn nữa. Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng rất khó khăn, làm được đồng nào phải trích lập dự phòng rủi ro theo thông thường, vừa phải trích lập 20% khoản nợ xấu đã bán cho VAMC; trong khi tín dụng lại tăng trưởng chậm.
Việc giảm lãi suất VND thực ra là đang đánh vào “nồi cơm” của chính các cổ đông ngân hàng và thực tế là Ngân hàng Nhà nước không dễ tìm thấy tiếng nói đồng thuận trong vấn đề này.
Đó là chưa kể, nếu giảm lãi suất thì ai dám chắc dòng tiền gửi VND không bị ảnh hưởng, bởi khi mà lợi ích kinh tế từ tiết kiệm bị bào mòn thì người nắm giữ tiền đồng sẽ mang tiền săn tìm lợi ích ở mua bán ngoại tệ, vàng.
Và đó là điều mà Ngân hàng Nhà nước không mong muốn.